Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn trong dạy học trực tuyến
Nhằm thực hiện chủ trương “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, đồng thời thực hiện tốt “mục tiêu kép” trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động giáo dục, trong đó có các hình thức dạy, học linh hoạt phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Sau thời gian triển khai thực hiện, nhiều cơ sở giáo dục trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với chỉ đạo của ngành và điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị; nhiều trường đã thực hiện khảo sát và đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ giáo viên, học sinh, góp phần từng bước nâng chất lượng dạy và học trực tuyến.
Tuy nhiên, trên thực tế việc dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập như: giáo viên chưa quản lý tốt tinh thần, thái độ học tập của học sinh; sự tương tác giữa giáo viên và học sinh còn hạn chế; chưa đảm bảo tính an toàn trong quá trình dạy và học… Để góp phần khắc phục được những hạn chế nêu trên, hướng đến mục tiêu an toàn, chất lượng, hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai Công văn số 3037 /SGDĐT-CTTT ngày 19/10/2021 chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện một số nội dung cụ thể như:
1. Tăng cường công tác truyền thông bằng hình thức phù hợp, giúp giáo viên và học sinh nâng cao các kiến thức, kỹ năng về: an toàn khi sử dụng các thiết bị điện; hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe mắt, sức khỏe tâm thần và các khuyến cáo phòng chống dịch Covid-19; đầu mỗi giờ học, hướng dẫn các kỹ năng an toàn khi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học trực tuyến, khi sử dụng mạng xã hội; nâng cao ý thức, tự giác lưu trữ, bảo quản thông tin cá nhân, hình ảnh, video, dữ liệu riêng tư trong máy tính, điện thoại. Khi kết nối trực tuyến, nhà trường cần yêu cầu giáo viên đặt tên lớp và mật khẩu, giáo viên chịu trách nhiệm duyệt người tham gia lớp học, thường xuyên nhắc nhở học sinh sử dụng tài khoản là tên thật để dễ theo dõi. Sau khi điểm danh xong, giáo viên có thể tạm khóa lớp học, để thuận tiện cho việc quản lý lớp.
Trên cơ sở nội dung do nhà trường cung cấp, giáo viên có thể truyền tải thêm những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm bổ ích khác của bản thân nhằm giúp cho học sinh biết được các kỹ năng giữ an toàn cho bản thân một cách tốt nhất khi tham gia học trực tuyến, phối hợp phụ huynh học sinh nhắc học sinh những khuyến cáo về sử dụng thiết bị học, hệ thống điện, quản lý giờ và điều kiện học tập, sạc pin điện thoại đầy trước khi học, không vừa sạc điện thoại vừa sử dụng... nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục các sự cố bất thường, phòng tránh tai nạn thương tích.
2. Phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, các ban, ngành, đoàn thể liên quan tại địa phương, tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng đa dạng các phần mềm hỗ trợ trực tuyến, những khuyến cáo về kỹ thuật, hạn chế bị người lạ xâm nhập, cướp quyền giảng dạy hoặc chia sẻ những thông tin không phù hợp làm ảnh hưởng đến giờ dạy và học của giáo viên và học sinh. Khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu, tìm tòi, khai thác các tính năng hữu ích của các phần mềm dạy, học trực tuyến, nâng cao kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin, cảnh giác trước các đường link, ứng dụng.
3. Nhà trường cần có hình thức thường xuyên thăm lớp, dự giờ dạy trực tuyến của giáo viên nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh ngôn phong, phương pháp giảng dạy chưa phù hợp, tuân thủ đúng thời lượng các tiết dạy theo hướng dẫn của Sở GDĐT (kể cả thời gian điểm danh), tránh kéo dài gây mệt mỏi cho học sinh.
4. Phát huy vai trò của Đoàn – Đội trường học trong việc tổ chức các lớp kỹ năng dạy và học trực tuyến; chú trọng sử dụng các biện pháp giáo dục sáng tạo, linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy năng khiếu, sở thích của học sinh, giúp các em được thư giãn sau những giờ học căng thẳng, góp phần từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, an toàn trong dạy và học trực tuyến tại đơn vị./.
Minh Bảo Trân