Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang tổ chức phát động nâng cao nhận thức, giáo dục tính tự lực, tự cường cho học sinh cấp tiểu học
Sáng ngày 10 tháng 3 năm 2025, tại trường Tiểu học Nguyễn Du (TP. Long Xuyên), Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang tổ chức Lễ phát động nâng cao nhận thức, giáo dục tính tự lực, tự cường cho học sinh cấp tiểu học.
Sáng ngày 10 tháng 3 năm 2025, tại trường Tiểu học Nguyễn Du (TP. Long Xuyên), Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang tổ chức Lễ phát động nâng cao nhận thức, giáo dục tính tự lực, tự cường cho học sinh cấp tiểu học. Hoạt động này nhằm giúp học sinh rèn luyện ý thức tự lập ngay từ những năm đầu đến trường.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thị Ngọc Diễm đến tham dự và phát biểu khai mạc; cùng tham dự có các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở GDĐT, đại diện lãnh đạo các ban, ngành tỉnh: Ban Tuyên giáo và Dân vận, Liên đoàn Lao động, Tỉnh Đoàn, Công Đoàn ngành Giáo dục; lãnh đạo UBND thành phố Long Xuyên, lãnh đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; cán bộ quản lý các trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh; phụ huynh học sinh và tất cả học sinh của trường Tiểu học Nguyễn Du; đặc biệt buổi lễ có sự tham dự của TS Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam.
Phát biểu tại buổi khai mạc, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của lễ phát động và chương trình được triển khai trong thời gian tới, đồng thời khẳng định quyết tâm của ngành giáo dục An Giang trong việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Thực tế hiện nay cho thấy, không ít học sinh đang dần mất đi sự tự lập do sự bao bọc quá mức từ gia đình, tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, chăm sóc của cha mẹ, người thân làm cho học sinh ngày càng phụ thuộc, thiếu tự lập. Nhiều em chưa biết tự chăm sóc bản thân, thiếu kỹ năng xử lý những tình huống đơn giản trong cuộc sống. Khi đối diện với thử thách các em dễ nản lòng, thiếu kiên trì để vượt qua, mất đi ý chí phấn đấu vươn lên, tự lực, tự cường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà còn tác động lâu dài đến khả năng thích ứng với cuộc sống sau này.
Do vậy, việc triển khai chương trình giáo dục tính tự lực, tự cường là một định hướng giáo dục đúng đắn và quan trọng giúp học sinh được phát triển toàn diện. Thông qua các hoạt động rèn luyện học sinh sẽ học cách tự giải quyết vấn đề, nâng cao ý chí kiên cường, mạnh dạn hơn trong học tập và cuộc sống giúp các em tự tin đối mặt với những thử thách trong tương lai. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến mục tiêu xây dựng một thế hệ công dân bản lĩnh, tự chủ và sẵn sàng hội nhập.
Giám đốc Sở GDĐT khẳng định thêm: Để việc giáo dục tính tự lực, tự cường cho học sinh tiểu học mang lại hiệu quả, đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của nhà trường mà cần có sự chung tay của cả gia đình và toàn xã hội.
Sau phát biểu khai mạc của Giám đốc Sở GDĐT, em Phạm Lê Huy (học sinh lớp 5G, trường Tiểu học Nguyễn Du) kể chuyện về tấm gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập và trong sinh hoạt.
Cũng tại buổi lễ phát động, Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam trao đổi, chia sẻ về cách rèn luyện và phát huy tính tự lực, tự cường trong học tập và trong cuộc sống đối với học sinh tiểu học.
Chia sẻ tại buổi lễ, đại diện phụ huynh tham dự, ông Phan Phạm Cảnh Toàn cũng bày tỏ quan điểm: "Thú thật, trong guồng quay hối hả của cuộc sống hiện đại, đôi khi tôi cảm thấy mình chưa thực sự dành đủ thời gian để quan tâm và định hướng cho con một cách toàn diện. Chúng ta thường quá chú trọng vào việc học kiến thức trên lớp mà quên mất rằng, điều quan trọng hơn cả là phải trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là tính tự lập và khả năng vượt khó. Nhìn lại chặng đường vừa qua của con, tôi nhận thấy cháu còn khá rụt rè, nhút nhát và thiếu tự tin trong nhiều tình huống. Đôi khi, chỉ cần một bài toán khó hay một lời phê bình của cô giáo cũng đủ khiến con nản chí. Tôi tự hỏi, liệu mình đã làm gì để giúp con mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn?"
Với suy nghĩ đó, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chương trình giáo dục tính tự lực, tự cường mà ngành Giáo dục An Giang đang triển khai. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ tạo ra môi trường giáo dục thuận lợi, giúp học sinh tiếp thu kiến thức, rèn luyện bản lĩnh, khả năng tự lập và tinh thần vượt khó. Đây chính là chìa khóa để xây dựng một thế hệ trẻ tự tin, chủ động, sẵn sàng thích ứng với những thách thức trong tương lai.
Dịp này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tặng 11 phần quà, mỗi phần quà gồm dụng cụ học tập và 1 triệu đồng tiền mặt dành cho 11 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, các em là những học sinh biết vượt khó vươn lên học giỏi. Cũng tại buổi lễ, Ban đại diện Cha mẹ học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du đã trao tặng 5 phần quà cho 5 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường.
Với sự quyết tâm của toàn ngành Giáo dục tỉnh An Giang, sự đồng hành của phụ huynh và tinh thần chủ động từ chính các em học sinh, chương trình này hứa hẹn sẽ mang lại những giá trị thiết thực và lâu dài.
Việc rèn luyện ý thức tự lực, tự cường sẽ giúp học sinh phát triển năng lực cá nhân, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ bản lĩnh, trách nhiệm và tự tin đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, cùng xây dựng quê hương An Giang ngày thêm giàu đẹp.
Thông qua lễ phát động, ngành Giáo dục mong muốn và kêu gọi sự chung tay giúp sức của toàn xã hội trong việc xây dựng, rèn luyện cho học sinh ý thức tự lực, tự cường; tinh thần trách nhiệm, ý chí vượt khó; bản lĩnh, tự tin, sẵn sàng đón nhận thử thách và vững vàng trước những thử thách của cuộc sống. Đây chính là nền tảng giúp các em học sinh luôn tin vào chính mình, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và trong mọi hoạt động tích cực của cuộc sống.
Phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học