An Giang: Tạo điều kiện cho con người, phương tiện vận chuyển Nông sản
UBND tỉnh An Giang vừa ban hành văn bản số 739/UBND-KTN ngày 21/7/2021 tạo điều kiện cho con người, phương tiện vận chuyển nông sản của tỉnh đi qua địa bàn, đến nơi tiêu thụ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ
HƯỚNG DẪN
Tạo điều kiện cho con người, phương tiện vận chuyển nông sản của tỉnh đi qua địa bàn, đến nơi tiêu thụ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ Tướng Chính phủ.
(Kèm theo Công văn số 739 /UBND-KTN ngày 21/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
I. Mục đích
- Tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy, trong đó tập trung các sản phẩm lúa, gạo, nếp, rau màu, cây ăn trái…;
- Tăng cường các hoạt động ứng phó và hỗ trợ nhằm hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.
II. Nguyên tắc thực hiện
Tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và lưu thông, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy, trong đó tập trung các sản phẩm lúa, gạo, nếp, rau màu, cây ăn trái… phải được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan đồng ý tiếp nhận và thống nhất kế hoạch phối hợp với An Giang để triển khai đảm bảo cho người dân được thuận lợi và an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
III. Phương thức vận chuyển
1. Đối tượng vận chuyển
- Các sản phẩm nông sản: lúa, gạo, nếp, rau màu, cây ăn trái… đã đăng ký và được các tỉnh, thành phố đồng ý tiếp nhận và thông tin đến tỉnh An Giang phối hợp thực hiện.
- Xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu nông sản: lúa, gạo, nếp, rau màu, cây ăn trái… từ An Giang đến các tỉnh, thành phố và ngược lại.
2. Quy định đối với phương tiện, người điều khiển, người đi theo xe
- Thực hiện nghiêm theo đúng Văn bản số 675/UBND-KGVX ngày 09/7/2021 của UBND tỉnh An Giang về việc tăng cường kiểm soát công tác hoạt động vận tải trong tình hình dịch bệnh Covid-19 (đính kèm Văn bản) và trong quá trình thực hiện người đứng đầu Cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối như chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 694/UBND-KGVX ngày 14/7/2021.
- Kịp thời thông tin đến cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận chuyển và triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.
- Trong suốt quá trình di chuyển của phương tiện chỉ được phép được dừng tại các trạm dừng nghỉ đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
- Sau mỗi chuyến vận chuyển, phải thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ phương tiện trước khi khởi hành chuyến mới.
3. Phương án vận chuyển
3.1. Trường hợp vận chuyển bằng đường thủy nội địa
(a) Các phương tiện vận tải nông sản bằng đường thủy nội địa phải thực hiện việc giao/nhận hàng hóa tại các cảng, bến thủy nội địa và điểm tập kết nông sản đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
(b) Người đi trên phương tiện phải có Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 với kết quả âm tính; thực hiện khai báo y tế điện tử bằng phần mềm Bluezone hoặc sử dụng mã QR Code và phải thực nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) trong suốt quá trình di chuyển, neo đậu giao/nhận nông sản tại cảng, bến thủy nội địa; không được tiếp xúc với người khác, không di chuyển qua phương tiện khác và không được lên bờ khi thật sự không cần thiết.
- Điểm đi: tại các cảng, bến thủy nội địa và điểm tập kết nông sản đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trên địa bản tỉnh.
- Điểm đến: tại các cảng, bến thủy nội địa và điểm tập kết nông sản đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trên các địa bản tỉnh, thành phố có liên.
- Phương tiện phục vụ vận chuyển: Phương tiện thủy do DN tổ chức trên cơ sở phối hợp thống nhất giữa đầu mối các tỉnh, thành phố liên quan.
- Thời gian vận chuyển: Theo thời gian quy định tại các chốt kiểm dịch đường thủy nội địa.
- Chi phí vận chuyển: Đầu mối các tỉnh, thành phố liên quan làm việc với các đơn vị vận tải thủy thống nhất chi phí hoặc được hỗ trợ chi phí tại đầu mối các tỉnh, thành phố liên quan thống nhất hỗ trợ (nếu có).
3.2. Trường hợp vận chuyển đường bộ bằng ô tô
Thực hiện “Luồng xanh” nội tỉnh và liên tỉnh: theo Công văn số 4884/TCĐBVN-ATGT ngày 15/7/2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc bổ sung phương án tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu thông quá cảnh qua các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 và Công văn số 1589/SGTVT-QLVTPT&NL ngày 16/7/2021 của Sở GTVT An Giang về việc hướng dẫn tổ chức phân luồng giao thông đảm bảo cho phương tiện lưu thông hàng hóa qua địa bàn tỉnh An Giang trong tình hình dịch bệnh COVID-19. (đính kèm theo nội dung của hai Văn bản)
- Điểm đi: Các địa điểm do Đơn vị vận chuyển công bố, tổ chức.
- Điểm đến: Địa điểm tại các tỉnh, thành phố do Đơn vị vận chuyển tổ chức, công bố.
- Phương tiện phục vụ vận chuyển: Xe ô tô tải do các đơn vị vận tải của An Giang hỗ trợ, được Sở Giao thông vận tải An Giang cấp Thẻ nhận diện ưu tiên trên hành trình và nơi đến. Phương tiện được cấp “THẺ NHẬN DIỆN CHO PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN” theo hướng dẫn của Tổng Cục đường bộ Việt Nam theo Công văn số 4977/TCĐBVN-VT ngày 18 tháng 7 năm 2021.
- Thời gian vận chuyển: Theo thời gian thống nhất giữa đầu mối của các tỉnh, thành phố với đầu mối của các quận, huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang.
- Chi phí vận chuyển: Chi phí theo thống nhất giữa đầu mối các tỉnh, thành phố liên quan với các đơn vị vận tải hoặc được các đơn vị vận tải hỗ trợ vận chuyển miễn phí (nếu có).
IV. Tổ chức thực hiện
1. Các tỉnh, thành phố tiếp nhận hàng hóa nông sản
a) Công bố công khai đầu mối tiếp nhận.
b) Thông tin đến Ủy ban nhân dân An Giang để phối hợp thực hiện công tác vận chuyển về số lượng nông sản và hình thức vận chuyển (đường thủy, đường bộ…), thông tin đầu mối thực hiện nhiệm vụ vận chuyển trong từng đợt theo kế hoạch tiếp nhận của tỉnh, thành phố liên quan.
c) Chỉ đạo Sở Giao thông vận tải của tỉnh, thành phố (nơi tiếp nhận nông sản) có văn bản gửi đến Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố liên quan có lộ trình phương tiện vận chuyển bằng đường bộ dự kiến đi qua các chốt (trạm) kiểm soát dịch COVID-19 hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn phương tiện cấp Thẻ nhận diện được ưu tiên theo hành trình nhận diện được Tổng Cục đường bộ Việt Nam hướng dẫn tại Công văn số 4977/TCĐBVN-VT ngày 18 tháng 7 năm 2021.
d) Chỉ đạo đơn vị tham gia vận chuyển chấp hành nghiêm phương án phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan, Tổng Cục đường bộ Việt Nam (Công văn số 4977/TCĐBVN-VT ngày 18 tháng 7 năm 2021) và các cơ quan có liên quan.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang
2.1.Giao Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố và làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp và thông tin đến Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các đơn vị có liên quan trên địa bàn về phương thức vận chuyển, số lượng nông sản (theo danh sách của tỉnh, thành phố liên quan), địa điểm và thời gian vận chuyển; Tổ chức triển khai và hướng dẫn các đơn vị tham gia vận chuyển chấp hành nghiêm phương án phòng chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố liên quan, Tổng Cục đường bộ Việt Nam (Công văn số 4977/TCĐBVN-VT ngày 18 tháng 7 năm 2021) và các cơ quan có liên quan. Cụ thể về cấp Thẻ nhận diện phương tiện:
a) Thành phần hồ sơ, tài liệu:
Các đơn vị vận tải thực hiện việc số hóa Công văn đề nghị (Phụ lục 1) kèm danh sách các thông số của phương tiện (tập tin có định dạng .pdf và file excel theo Phụ lục 2) và các hàng thiết yếu gửi về các Cơ quan đầu mối (Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT...). Sau đó các đơn vị vận tải và Cơ quan đầu mối tổng hợp và gởi đến hộp thư điện tử (nếu các Cơ quan đầu mối chưa có luồng xanh riêng biệt), Email: quanlyvantai.angiang@gmail.com hoặc qua tài khoản nhóm Zalo (Phòng QLVTPT&NL - Sở Giao thông vận tải An Giang) và số điện thoại 0989119899 Zalo của Đ/c Chánh để được xem xét hỗ trợ giải quyết sớm.
Lưu ý: Các nội dung tại Phụ lục 2 phải bảo đảm thông tin chính xác, đơn vị đề nghị phải chịu trách nhiệm đối với nội dung đã kê khai.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc đề nghị các doanh nghiệp liên hệ với Đ/c Võ Minh Chánh, chuyên viên Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái - Sở Giao thông vận tải, số điện thoại 0989119899 để được hướng dẫn.
b) Kết quả giải quyết:
- Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp nhận đề nghị từ các Cơ quan đầu mối, kiểm tra và tiến hành giải quyết cho đơn vị trong thời gian không quá 06giờ.
- Trả kết quả: Bao gồm Thông báo tổ chức giao thông theo mẫu và Giấy nhận diện (có mã tra cứu QR) tương ứng với mỗi phương tiện theo mẫu.
c) Kết quả giải quyết sẽ gửi đến các đơn vị đầu mối thông qua hộp thư điện tử, qua trục gửi nhận văn bản số hóa hoặc qua tài khoản Zalo (Lưu ý: Cơ quan đầu mối phải cung cấp địa chỉ hộp thư điện tử và tài khoản Zalo để tiếp nhận thông báo và phiếu nhận diện).
d) Sau khi các đơn vị được nhận thông báo tổ chức giao thông của Sở Giao thông vận tải An Giang đã được số hóa kèm theo Thẻ nhận diện phương tiện (có mã tra cứu QR) tương ứng với mỗi phương tiện. Các đơn vị tự in, đóng dấu của đơn vị vào Giấy nhận diện phương tiện và gắn lên kính chắn gió phía trước của xe ô tô khu vực phía bên phải người lái xe.
2.2.Giao Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho Đơn vị vận chuyển nông sản đến các vị trí đã công bố.
- Phối hợp với các Sở Giao thông vận tải (chỉ đạo Thanh tra Giao thông vận tải), Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Công thương:
Chủ động phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai Hướng dẫn nêu trên, nhằm không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy, trong đó tập trung các sản phẩm lúa, gạo, nếp, rau màu, cây ăn trái… trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ./.