Friday, 13/06/2025 - 20:59|
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa, phòng chống có hiệu quả bạo lực học đường, đảm bảo tốt tình hình an ninh, trật tự trường học

Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo an ninh trật tự tại trường học; phòng chống bạo lực học đường; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cách mạng, đạo đức, lối sống; xây dựng văn hóa ứng xử học đường. Nhiều đơn vị, địa phương đã có kế hoạch triển khai các hoạt động giáo dục tích cực cho học sinh, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, gần gũi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo và phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Nhiều cơ sở giáo dục phối hợp tốt với các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền giáo dục, ký kết thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một vài nơi chưa thật sự quan tâm, thiếu kiểm tra, giám sát, tổ chức các hoạt động mang tính hình thức, buông lỏng quản lý, kỷ cương, nền nếp trường học nên còn để xảy ra một số vụ việc vi phạm về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, bạo lực học đường, khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục tích cực khác của ngành.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Báo cáo số 975/BC-UBND ngày 26/10/2023, để chấn chỉnh công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản số 4243/SGDĐT-CTTT ngày 27/10/2023 chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt một số nội dung cụ thể như sau:

1. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt các văn bản: Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/ 2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/ 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”; Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ GDĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục; Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ GDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 01/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.

     (Nguồn ảnh: Trường THPT Nguyễn Trung Trực, huyện Tri Tôn, An Giang)

2. Phát huy vai trò của thủ trưởng đơn vị trong công tác kiểm tra, quản lý, phê bình, xử lý nghiêm các trường hợp, cán bộ phụ trách thiếu tinh thần trách nhiệm, lơ là, chủ quan, không triển khai nghiêm túc nội dung  các văn bản chỉ đạo về thực hiện môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng văn hóa ứng xử; công tác an ninh trật tự trường học. Thực hiện nghiêm việc niêm yết số điện thoại đường dây nóng theo Công văn số 774/SGDĐT-CTTT ngày 31/3/2021 của Sở GDĐT về việc thực hiện bảng niêm yết số điện thoại đường dây nóng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tội phạm mua bán người, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; Triển khai thực hiện tốt Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp người học bị bạo lực, xâm hại, các vụ việc bạo lực học đường theo Hướng dẫn số 2768/HD-SGDĐT ngày 27/9/2021 của Sở GDĐT. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục, nêu gương người tốt, việc tốt, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; tổ chức các diễn đàn, hội thi tuyên truyền, giáo dục học sinh kiên quyết “nói không với bạo lực học đường, tệ nạn xã hội”, không cổ vũ đánh nhau, không tham gia bắt nạt người khác.

                    (Nguồn ảnh: Ngành GDĐT An Giang)

3. Tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học, mời các ngành có liên quan báo cáo các chuyên đề về phòng chống tội phạm, phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, tổ chức cho phụ huynh ký cam kết với nhà trường và các ngành chức năng, chính quyền địa phương về thực hiện công tác quản lý, giáo dục học sinh tại gia đình, ngoài giờ học, cam kết phối hợp tốt với nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho học sinh, thực hiện nghiêm nội quy trường, lớp, các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường...; tổ chức cho giáo viên ký cam kết với nhà trường, học sinh ký cam kết với giáo viên chủ nhiệm về thực hiện tốt các quy định, nội quy trường, lớp, thường xuyên rèn luyện, thực hành văn hóa ứng xử ở mọi lúc, mọi nơi và ngay cả khi dùng mạng xã hội. Tăng cường công tác bảo vệ, kiểm soát người lạ mặt vào trường học, các nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh, kịp thời phản ánh, báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về tình trạng mất an ninh trật tự, “điểm nóng” khu vực xung quanh trường học để được hỗ trợ, xử lý.

                  (Nguồn ảnh: CLB Nhiếp ảnh, Trường THPT Long Xuyên, thành phố Long Xuyên, An Giang)

4. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục tích cực, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần đối với trẻ em, học sinh cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh; rà soát, củng cố, thực hiện tốt công tác xã hội, tư vấn tâm lý trong trường học; tăng cường các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây rối loạn sức khỏe tâm thần (bao gồm: tâm thần phân liệt, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, động kinh, trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ, nạn nhân của sự xâm hại, bạo lực gia đình, bạo lực học đường và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác) trong trường học, góp phần hỗ trợ phòng ngừa, can thiệp, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh, giúp các em được phát triển toàn diện. Trong năm học, tổ chức ít nhất 2 lần tọa đàm, đối thoại giữa học sinh, phụ huynh học sinh với giáo viên và lãnh đạo nhà trường, tiếp thu ý kiến đóng góp cho các hoạt động giáo dục một cách thiện chí, lắng nghe, tôn trọng, khuyến khích học sinh, phụ huynh bày tỏ suy nghĩ, đề xuất ý kiến, nguyện vọng với nhà trường; thực hiện tốt công tác dân chủ để huy động nhiều ý kiến hay, giải pháp mới, mang lại hiệu quả trong công tác giáo dục học sinh./.

                                                                                                    Minh Bảo Trân, Sở GDĐT


Tác giả: Bảo Trân - Sở GDĐT AG
Nguồn: Sở GDĐT An Giang
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thống kê
Hôm nay : 46.684
Hôm qua : 30.210
Năm 2025 : 855.767
Thời tiết Hà Nội