Phát huy hiệu quả mô hình phối hợp Gia đình - Nhà trường – Xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, đặc biệt là mối quan hệ giữa Gia đình – Nhà trường – Xã hội nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, tình cảm và hành vi cá nhân đúng đắn cho từng học sinh. Để đảm bảo hiệu quả trong việc truyền đạt các giá trị đạo đức, lối sống cho học sinh, việc phối hợp giữa Gia đình – Nhà trường – Xã hội đang trở thành một ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa như hiện nay.
1. Vai trò của Gia đình – Nhà trường – Xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
a) Gia đình: Gia đình là môi trường đầu tiên, là cơ sở, nền tảng quan trọng có tính chất quyết định nhân cách của các em trong quá trình trưởng thành. Trong thời kỳ hiện nay, vai trò của gia đình càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Mỗi gia đình và các bậc phụ huynh cần tập trung đặc biệt vào việc giáo dục cho học sinh ở từng giai đoạn, nhất là giai đoạn học sinh trải qua khủng hoảng tâm lý, có sự tò mò về những điều mới mẻ và dễ bị lôi kéo vào những cám dỗ và rủi ro, nếu không có sự giám sát, định hướng đúng đắn có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của các em.
Trên cơ sở này, cần nhận thức rõ vai trò quan trọng của gia đình và phương pháp giáo dục gia đình đối với việc phát triển nhân cách của học sinh. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết, tôn trọng và sự tương tác tốt từ các thành viên trong gia đình. Gia đình cần trở thành môi trường an toàn và ủng hộ, nơi các em có thể chia sẻ, học hỏi và phát triển giá trị đạo đức.
Việc xây dựng một gia đình hạnh phúc có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp học sinh thấu hiểu các giá trị đạo đức tốt đẹp. Chính sự hỗ trợ và hướng dẫn từ gia đình có thể giúp các em đối mặt với những thách thức và nguy cơ trong cuộc sống một cách tự tin và đúng đắn, từ đó đảm bảo sự hình thành một nhân cách mạnh mẽ và tích cực. Bên cạnh đó, gia đình cần phối hợp, tham gia vào việc giảng dạy giáo dục đạo đức cho học sinh bằng cách thúc đẩy các giá trị và tạo ra môi trường hỗ trợ cho sự phát triển đạo đức của học sinh.
(Nguồn ảnh: Phòng GDĐT huyện Châu Thành)
b) Nhà trường: Nhà trường là nơi chịu trách nhiệm cung cấp kiến thức đạo đức cơ bản và phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề cho học sinh. Do đó, nhà trường cần xây dựng môi trường giáo dục tích cực và khuyến khích sự tham gia của học sinh trong các hoạt động giáo dục.
Trong môi trường giáo dục, nhà trường luôn tạo ra điều kiện để học sinh có thể học hỏi, phát triển kiến thức và kỹ năng thực hành xã hội, rèn luyện đạo đức một cách hiệu quả. Điều này bao gồm việc cung cấp tài liệu học tập phù hợp, tạo cơ hội cho sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, khuyến khích các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo và khám phá. Bên cạnh đó, một môi trường giáo dục tích cực cũng đòi hỏi phải tạo điều kiện an toàn và thân thiện để học sinh cảm thấy tự tin và thoải mái khi tham gia vào quá trình học tập.
Xây dựng một trường học hạnh phúc là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục đòi hỏi mối quan hệ giữa học sinh, giáo viên và nhân viên trường học cần được xây dựng trên sự tôn trọng và hỗ trợ. Một trường học hạnh phúc cần tôn trọng sự đa dạng, khác biệt của học sinh, giáo viên và thúc đẩy bình đẳng. Điều này đảm bảo rằng mọi người có cơ hội công bằng và được đối xử một cách tôn trọng. Đồng thời, phụ huynh cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một trường học hạnh phúc. Bởi vì cần phải có sự phối hợp, cam kết giữa Nhà trường và Gia đình để đảm bảo sự quan tâm, hỗ trợ cho học sinh một cách kịp thời, giúp học sinh được phát triển toàn diện.
(Nguồn ảnh: Phòng GDĐT huyện Tri Tôn)
c) Xã hội: Xã hội có vai trò lớn trong việc định hình giáo dục đạo đức thông qua các giá trị, quy tắc và các chuẩn mực đạo đức tồn tại trong xã hội. Việc học hỏi từ xã hội và tham gia vào các hoạt động xã hội giúp học sinh hiểu rõ hơn về giáo dục đạo đức.
Thực tế, trong đời sống xã hội, chúng ta thường chứng kiến nhiều sự việc phức tạp và nhạy cảm liên quan đến đạo đức, hành vi, lối sống và cách hành xử của một số thanh thiếu niên. Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc hoạt động có tiềm năng ảnh hưởng xấu đến an ninh và trật tự. Có những tình huống khiến chúng ta cảm thấy đau lòng và hậu quả của những hành vi này có thể rất nghiêm trọng. Do đó, trong bối cảnh này, cần thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng học sinh được giáo dục và hướng dẫn một cách thích hợp để có thể phát triển một cách toàn diện.
Từ vai trò của Gia đình, Nhà trường và Xã hội cho thấy việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là rất quan trọng và có mối quan hệ mật thiết. Gia đình, Nhà trường và Xã hội cần hiểu rõ mục tiêu và giá trị chung trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, cùng nhau giải quyết vấn đề, hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh được hình thành các giá trị tốt đẹp, phát triển toàn diện.
(Nguồn ảnh: Phòng GDĐT thành phố Long Xuyên)
2. Các giải pháp phát huy hiệu quả mô hình phối hợp nhà trường - gia đình – xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Thứ nhất, xác định nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giúp học sinh được phát triển kiến thức và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; từ đó chủ động xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền về các nhiệm vụ giáo dục, vận động phụ huynh học sinh thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục học sinh cùng với nhà trường.
Thứ hai, luôn chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các Sở, ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan, sẵn sàng hợp tác, tham gia vào các nhiệm vụ chung có liên quan đến công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh; phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhằm nâng cao ý thức, sự hiểu biết của các em về các mối nguy hại từ việc tham gia không chọn lọc các trang web, mạng xã hội; giáo dục ứng xử văn hóa học đường, phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, tệ nạn xã hội; tuyên truyền, giới thiệu cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh về số điện thoại đường dây nóng tư vấn, hỗ trợ trẻ em, phụ nữ khi bị bạo lực (miễn phí): Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (111); phối hợp tốt trong việc phát hiện, xử lý kịp thời, nhằm ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường xảy ra trong các cơ sở giáo dục; Tổ chức ký cam kết thực hiện văn hóa ứng xử học đường, giáo dục đạo đức học sinh, phòng chống bạo lực học đường; Phát động các phong trào, hoạt động thi đua thực hiện giao tiếp, ứng xử văn hóa trong trường học, trong gia đình, tại cộng đồng và trong việc sử dụng các trang mạng xã hội. Đặc biệt, thực hiện tốt vai trò nêu gương của cán bộ, giáo viên trước học sinh; kịp thời nhắc nhở, phê bình những hành vi kém văn hóa, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, phong tục tập quán, truyền thống của người Việt Nam.
Thứ ba, luôn quan tâm chỉ đạo tổ chức tốt hoạt động tự thanh tra, kiểm tra; qua đó, phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả việc vi phạm quy chế, pháp luật của các cơ sở giáo dục. Thường xuyên kiểm tra công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống với nhiều hình thức: định kỳ, đột xuất; thực hiện nhiều đợt kiểm tra liên ngành tại các địa phương trong tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các vụ việc, vấn đề “nổi cộm” liên quan, thúc đẩy việc thực hiện xây dựng môi trường giáo dục, an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Thứ tư, luôn quan tâm xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, chỉ đạo các trường học tổ chức tốt hoạt động truyền thông, giáo dục về chính trị, tư tưởng cho học sinh các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của học sinh. Từ hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, ngành giáo dục và đào tạo sẽ xây dựng được niềm tin vững chắc đối với phụ huynh, học sinh, xã hội và các Sở, ngành. Điều đó sẽ giúp công tác tham mưu triển khai thực hiện các kế hoạch về giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh và nhận được sự ủng hộ, đồng tình và thống nhất cao của ngành liên quan, chính quyền địa phương.
Thứ năm, tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan phát huy hiệu quả của các mô hình điểm đã được xây dựng và triển khai trước đây như: hoạt động ngoại khóa Sống đẹp – Sống có ích; hội thi Văn hóa ứng xử học đường – Xây dựng trường học an toàn, thân thiện; mô hình hoạt động ngoại khóa Hành động đẹp – Sống văn minh; mô hình tuyên truyền phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh; mô hình Ngày hội Gia đình yêu thương; hoạt động giáo dục sức khỏe tâm thần cho học sinh; mô hình Ngày hội Yêu thương và Chia sẻ. Tất cả các mô hình được xây dựng, triển khai và hướng dẫn, khi tổ chức các cơ sở giáo dục phải đảm bảo có sự tham gia của cả 03 đối tượng: học sinh, giáo viên và phụ huynh nhằm tạo sự gắn kết giữa Gia đình – Nhà trường và Xã hội. Nhiều mô hình đã có sự hỗ trợ kinh phí từ các chương trình, Đề án của các ngành trong tỉnh. Điều đó khẳng định được vị trí, vai trò, uy tín của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang trong các hoạt động giáo dục trong tỉnh, tạo được sức lan tỏa, huy động được nhiều sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành.
(Nguồn ảnh: Trường THPT Nguyễn Quang Diêu, thị xã Tân Châu, An Giang)
Nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống cho học sinh. Để thực hiện được điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cần quan tâm hơn nữa đến công tác chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan, tuyên tuyền, định hướng cho toàn xã hội cùng chung tay cho các hoạt động giáo dục trong tỉnh. Bên cạnh đó, để duy trì và phát triển mô hình phối hợp giữa Nhà trường - Gia đình - Xã hội, đạt được mục tiêu xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, hạnh phúc cho học sinh, Sở GDĐT tỉnh An Giang luôn đặt tinh thần trách nhiệm và sự chủ động lên hàng đầu, không ngừng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện các chỉ đạo từ Trung ương và Bộ GDĐT. Sở GDĐT tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể, và chính quyền địa phương để đảm bảo thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo cơ hội tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của học sinh. Chính tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm và sẵn sàng hợp tác, Sở GDĐT tỉnh An Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác tham mưu và chỉ đạo, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung và công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh nói riêng trên địa bàn tỉnh./.
Minh Bảo Trân, Sở GDĐT